CÂU CHUYỆN

Xanh xanh đỏ đỏ vàng vàng

Cứ đến tháng Chạp cả làng làm hoa

Từ gần 400 năm trước...

Sau khi vua Gia Long thu giang sơn về một mối, nhân lễ Thượng tuần, nhà vua ban chiếu đề nghị mỗi một trấn đem về kinh thành một loài hoa quý. Trong triều đình có một vị quan người làng Thanh Tiên làm ở Bộ Lễ chức Tả Hữu Đồng Nghị, dâng lên nhà vua một loài hoa ngũ sắc với đầy ý nghĩa Tam Cương - Ngũ Thường: “Ba cành hoa ở giữa tượng trưng cho Trung - Hiếu - Nghĩa. Trong đó luôn có một chiếc hoa màu vàng hoặc đỏ được làm to nhất tượng trưng cho đấng minh quân, còn 5 bông hoa hai bên tượng trưng cho Nhân - Lễ - Nghĩa - Trí - Tín”. 

Trở thành hồn cốt văn hóa...

Khi nghe trình bày ý nghĩa, vua ban chiếu khuyến khích làng Thanh Tiên làm hoa giấy để bày biện, bán lên kinh đô và phổ biến nghề cho mọi người. Hoa giấy gắn với tín ngưỡng thờ cúng của người Huế, trước là dâng cúng thần linh, tổ tiên ông bà, sau là trang hoàng nhà cửa. Những bông hoa giấy rực rỡ sắc màu nơi thôn dã không còn “hương bảo” của làng Thanh Tiên nữa mà lan tỏa khắp phố thị, làng quê Huế mỗi dịp xuân về.

Thất truyền hơn 50 năm

Nhưng rồi không rõ vì nguyên do gì mà kỹ thuật làm hoa sen giấy của làng lại bị thất truyền trong suốt 50 năm. May thay, một số người con của làng là nghệ nhân Nguyễn Hóa và họa sĩ Thân Văn Huy đã cố công tìm hiểu, phục hồi bí quyết làm hoa sen giấy. Qua thành công của các kỳ Festival, những đóa sen đã vượt qua làng quê thanh bình để đến những chân trời mới, trở thành mặt hàng xuất khẩu nổi tiếng của cố đô.

Đổi mới và lan tỏa

Từ bông sen chỉ có màu trắng làm từ giấy pơ luya mỏng có thân là một khúc tre ngắn giờ hoa sen giấy làng Thanh Tiên đã dày dặn hơn, nhiều màu sắc và kiểu dáng hơn. Biểu tượng đặc trưng của văn hóa Việt Nam đã sang Châu Âu, châu Mỹ, châu Úc qua các lượt khách du lịch khi đến Huế.