Làng hoa giấy Thanh Tiên 'bừng sáng', đơn hàng 10.000 cành báo hiệu xuân ấm
Vụ tết năm nay, gia đình ông Nguyễn Hóa ở làng hoa giấy truyền thống Thanh Tiên xứ Huế nhận đặt hàng 10.000 cành hoa giấy từ khách gần xa. Làng quê như "bừng sáng", sặc sỡ hoa giấy, báo hiệu mùa xuân ấm no đang về...
Xanh xanh đỏ đỏ vàng vàng/ Cứ đến tháng chạp là làng làm hoa. Câu ca dao mà ai về thăm làng Thanh Tiên nổi danh xứ Huế thời điểm này cũng sẽ nghe, sẽ thuộc... Bởi những ngày này, dân làng Thanh Tiên (xã Phú Mậu, TP.Huế, Thừa Thiên - Huế) lại tất bật, tỉ mỉ cắt từng mảnh giấy, nhuộm cánh hoa đủ sắc màu.
Gia đình ông Nguyễn Hóa tất bật làm hoa để kịp vụ tết
Từ xa xưa, hoa giấy làng Thanh Tiên đã là một nét văn hóa không thể thiếu, phục vụ nhu cầu thờ cúng của người dân cố đô Huế mỗi dịp tết đến xuân về. Gia đình ông Nguyễn Hóa (60 tuổi) là một trong những hộ làm hoa giấy lâu đời nhất ngôi làng này. Như thường lệ, mỗi năm, cứ đến độ tháng 10 âm lịch, ông cùng vợ và các con đã bắt đầu gác lại việc đồng áng để tập trung làm hoa giấy phục vụ tết.
Hoa giấy ngũ sắc làng Thanh Tiên
Người nghệ nhân này không nhớ nổi nghề làm hoa giấy có từ bao giờ, chỉ biết hoa giấy đã in sâu trong văn hóa của người Huế. Đến năm nay, ông Hóa có ngót nghét 50 năm nối gót ông cha làm nghề.
“Từ khi là những đứa trẻ ngồi chơi trong lòng ông bà, tôi học theo để làm, rồi dần thành thạo. Sau này lấy vợ, tôi duy trì làm từ ngày đó cho đến bây chừ”, ông Hóa nói. Theo ông Hóa, hoa giấy Thanh Tiên đã ra đời hàng trăm năm trước. Lớn lên, ông nghe cha kể lại rằng, xưa kia xứ Huế là nơi có khí hậu khắc nghiệt, thời tiết bất thường nên không có sẵn hoa tươi để dâng cúng các đền miếu.
Nhất là cận tết, mưa lụt triền miên, hoa không nở kịp nên người dân làng Thanh Tiên nghĩ ra cách làm hoa giấy, trước là để dâng cúng thần linh, tổ tiên, sau là để trang hoàng nhà cửa trong những ngày tết.
Nghề làm hoa giấy Thanh Tiên đã hình thành hơn 300 năm trước
Hoa giấy Thanh Tiên đặc biệt bởi đủ sắc màu, với toàn bộ nguyên liệu, công đoạn đều từ đôi bàn tay kiên nhẫn, khéo léo của người nghệ nhân.
Xưa kia, hoa giấy chủ yếu cắm trang Ông, trang Bà, Táo quân, bàn thờ, chùa chiền của người Huế. Qua bao thăng trầm, với bản sắc riêng, hoa giấy Thanh Tiên ngày nay đã tỏa đi khắp nơi, có mặt nhiều trong các nhà hàng, khách sạn... hay đôi khi còn xuất hiện ở một góc phòng khách của một gia đình yêu văn hóa Huế.
Mọi công đoạn làm hoa giấy đều cần đến đôi bàn tay khéo léo của nghệ nhân
Nhờ vậy nên những năm gần đây, nghề làm Hoa giấy đã dần khởi sắc, tạo thu nhập ổn định cho nhiều gia đình làng Thanh Tiên. Năm nay, ông Hóa và vợ phấn khởi khi số lượng khách đặt hoa tăng, không chỉ người Huế mà nhiều tỉnh thành khác cũng đặt mua để trang trí.
"Ngày xưa, người Huế chỉ mua vài cây để cắm bàn thờ cúng dịp tết. Ngày nay xã hội phát triển, nhiều người, nhiều khách sạn ưa nét văn hóa xưa của Huế cũng đặt mua để trang trí. Nhờ vậy mà tôi có việc làm quanh năm”, bà Nguyễn Thị Thanh Tâm (62 tuổi, vợ ông Hóa) tiếp lời.
Ngày nay, nhiều gia đình và hàng quán còn dùng hoa giấy Thanh Tiên để trang trí
Đến đầu tháng chạp năm nay, gia đình ông Hóa đã nhận đơn đặt hàng gần 10.000 cành hoa giấy từ khách gần xa. Giá thành cũng có tăng nhẹ, một cành hoa giấy hoàn thiện sẽ được bán ra thị trường với giá 7.500 đồng.
Hằng năm, cứ độ tháng chạp, người dân làng Thanh Tiên sẽ chở hoa lên phố để bán
Theo: thanhnien.vn